Dùng pháp nhân “ma” cắt đứt dòng tiền…
Theo đó, trong 86 bị can bị đề nghị truy tố ở vụ án này có 5 bị can thuộc các công ty thẩm định giá trị tài sản. Các bị can này cùng bị đề nghị truy tố và xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Cụ thể, Kết luận điều tra vụ án chỉ rõ, bị can Trương Mỹ Lan chỉ nắm giữ dưới 5% cổ phần tại Ngân hàng SCB. Tỷ lệ nắm giữ này tuân thủ quy định về giới hạn đầu tư vào ngân hàng đối với một cá nhân. Tuy nhiên, thực tế, Trương Mỹ Lan nắm giữ tỉ lệ cổ phần lên đến hơn 91% tại SCB bằng cách nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần.
Với tỉ lệ chi phối tuyệt đối, Trương Mỹ Lan sắp xếp người thân tín vào các vị trí chủ chốt tại ngân hàng, sử dụng các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, lập hồ sơ khống vay tiền ngân hàng. Qua đó, bị can Lan sử dụng ngân hàng như một công cụ tài chính của cá nhân.
CQĐT xác định, tính đến thởi điểm khởi tố vụ án, Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại 130.000 tỉ đồng qua hành vi tham ô tài sản; gây thiệt hại 64.000 tỉ đồng qua hành vi vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Kết quả điều tra và lời khai các bị can khác cho thấy, mỗi khi cần sử dụng tiền, bị can Lan sẽ thông báo cho Trương Huệ Vân (cháu gái Lan, quản lý nhiều pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (đều là cựu Phó tổng giám đốc SCB) họp tại tầng 39 Tòa nhà Times Square.
Tại các cuộc họp này, Lan sẽ thông báo cần bao nhiêu tiền, sử dụng tài sản gì để thế chấp, thời gian giải ngân để họ cùng thực hiện. Do tài sản đảm bảo luôn không đủ cho số tiền vay nên bà chủ Vạn Thịnh Phát chỉ đạo nâng giá trị để rút tiền ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, các lãnh cấp cao tại SCB đã ký hợp thức hồ sơ và thực hiện các quy trình vay vốn mà không tuân theo quy định pháp luật. “Tiền vay sau khi giải ngân sẽ được chuyển vào tài khoản của các cá nhân, pháp nhân “ma” để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc chỉ đạo cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền” - kết luận điều tra chỉ rõ.
Nâng khống giá trị tài sản hàng chục lần
Cũng theo Kết luận điều tra vụ án, để hợp thức hồ sơ vay, các công ty định giá tài sản thông đồng để phát hành chứng thư định giá “hợp pháp” cho các hồ sơ của nhóm Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhằm làm tăng giá trị tài sản và hợp thức thủ tục vay vốn cho nhóm này.
Cụ thể, Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty EXIM, Công ty DATC dù không tiến hành đánh giá đúng quy trình nhưng vẫn cấp chứng thư định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.
Thậm chí, Công ty Thẩm định Tầm nhìn mới được thành lập năm 2022, nhưng Lê Huy Khánh đã ký phát hành các chứng thư, báo cáo thẩm định nâng khống giá trị và lùi thời gian năm 2020, 2021 để hợp thức hồ sơ vay cho Ngân hàng SCB.
Đó là chứng thư thẩm định giá đối với quyền sử dụng đất tại Dự án khu dân cư huyện Long Thành (Đồng Nai), quyền sử dụng đất ở số 100 đường Hùng Vương (quận 5, TP. HCM) để làm tài sản bảo đảm, cho khoản vay 14.570 tỉ đồng.
Công ty Thẩm định giá Thiên Phú thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng SCB, nâng khống giá trị đối với một số tài sản. Trong đó, có siêu dự án Mũi đèn đỏ nằm ở ngã ba sông Sài Gòn. Dự án này không đảm bảo pháp lý, chưa thuộc quyền tài sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Penninsula.
Tuy nhiên, Công ty này không khảo sát thực tế đã phát hành chứng thư thẩm định nâng khống giá trị, ghi lùi ngày. Trên cơ sở tài sản này Ngân hàng SCB đã hoàn thiện hồ sơ thế chấp, giải ngân 65 khách hàng số tiền 105.000 tỉ đồng.
CQĐT xác định, giai đoạn 2012-2022, liên quan khoản vay nhóm Vạn Thịnh Phát, có 1.166 mã tài sản bảo đảm. Chỉ có 726 mã tài sản đủ điều kiện định giá. Phần còn lại là các cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ pháp lý, không thuộc phạm vi định giá lại.
Điển hình của tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị chính là Dự án Mũi Đèn đỏ. SCB giải ngân cho 100 khách hàng liên quan đến tài sản bảo đảm này. Hiện, còn dư nợ 133.000 tỉ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ gốc của nhóm Vạn Thịnh Phát.
Tài sản bảo đảm này trên sổ sách được ghi nhận với giá trị là 584.000 tỉ đồng. Khi điều tra vụ án, kết quả định giá lại chỉ có 22.000 tỉ đồng. Như vậy, tài sản này được nâng giá gấp hơn 26 lần giá trị thật.
Các bị can tại Ngân hàng SCB thừa nhận chỉ thực hiện thủ tục hợp lệ, không thực hiện đánh giá theo quy định của pháp luật và quy trình của SCB về việc cho vay.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ hàng nghìn tài sản của Trương Mỹ Lan và các bị can liên quan, bao gồm: tiền, bất động sản, “siêu xe”, du thuyền và phong tỏa hàng trăm tỷ đồng tại các ngân hàng.
---
https://www.anninhthudo.vn/vu-van-thinh-phat-loat-cong-ty
-dinh-gia-giup-suc-cho-truong-my-lan-nhu-the-nao-post559174.ant
- Dự án Mũi Đèn Đỏ được nâng khống gấp nhiều lần giá trị thực (14.03.2024)
- Vì sao bà Trương Mỹ Lan không đồng ý kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân? (14.03.2024)
- Đề nghị dùng 13 tài sản ngoài vụ án để khắc phục hậu quả (13.03.2024)
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Ai là chủ thực sự của SCB? (13.03.2024)
- Tòa sẽ tạo điều kiện để các bị cáo khắc phục hậu quả (13.03.2024)
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa đã thẩm vấn hơn 50 bị cáo (10.03.2024)
- Những điểm chính yếu qua 4 ngày xét xử đại án Vạn Thịnh Phát (09.03.2024)
- Vụ án Vạn Thịnh Phát: 84 bị cáo đã trả lời xét hỏi trước tòa thế nào? (09.03.2024)
- Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát ngày thứ 3 (09.03.2024)
- Bắt chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và cựu chủ tịch Cao Khoa (09.03.2024)