Chiều 3-1, phiên tòa xét xử hai cựu bộ trưởng cùng 36 bị cáo trong vụ Việt Á đang tiếp tục với phần công bố cáo trạng từ đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa.
Nội dung bản cáo trạng được công bố tại tòa cho thấy trong suốt quá trình từ khi "chen chân" vào đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm, đến cấp phép lưu hành và cả đưa các sản phẩm về bán tại các địa phương, bị cáo Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã "dùng tiền tác động đến các bị can có vị trí, chức vụ, quyền hạn để tạo lợi thế bất hợp pháp cho Việt Á", cáo trạng nêu.
Việt Á biến kit xét nghiệm từ đề tài nghiên cứu nhà nước thành "của riêng"
Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2007 tại TP.HCM, vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán máy móc, phụ tùng, sản xuất hóa chất cơ bản.
Để phục vụ hoạt động kinh doanh, Việt mở và điều hành 15 công ty, một cửa hàng có tên Âu Lạc.
Ông chủ Việt Á chủ yếu dùng pháp nhân của các công ty này để làm "quân xanh", cung cấp báo giá khi hợp thức hồ sơ đấu thầu các gói mua sắm kit xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư tại các địa phương.
Đầu năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt cho Học viện Quân y thực hiện đề án nghiên cứu bộ kit xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 với kinh phí gần 19 tỉ đồng trích từ ngân sách nhà nước. Cựu thượng tá Hồ Anh Sơn (khi đó giữ chức phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) được giao làm chủ nhiệm đề tài.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó của Bộ Khoa học và Công nghệ) bị cáo buộc với "động cơ vụ lợi" đã yêu cầu ông Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng tham gia đề tài.
Sau khi "biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty", Phan Quốc Việt giao tổ nghiên cứu tiếp tục phát triển để sản xuất kit xét nghiệm.
Phòng sản xuất kit Việt Á được đặt tại khu phố Bình Đường 2, thành phố Dĩ An, Bình Dương, đủ máy móc, thiết bị, nhân viên sản xuất, kiểm tra chất lượng.
Sau khi sản xuất thử nghiệm lô hàng 200.000 kit xét nghiệm đầu tiên bán cho Bộ Y tế, Việt bắt đầu chi tiền cho nhiều quan chức để được hỗ trợ cấp số đăng ký lưu hành nhanh nhất, sớm đưa vào kinh doanh.
Hối lộ quan chức
Cách thức chung của Việt Á trong hành trình biến đề tài nghiên cứu nhà nước thành "của riêng" rồi móc ngoặc bán kit xét nghiệm cho các địa phương từ Bắc tới Nam là dùng tiền hoặc rất nhiều tiền chi "lót tay" cho một số quan chức để được giúp đỡ thông thầu, trúng thầu.
Chỉ tính riêng khoản hối lộ, Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã chi cho các cựu quan chức số tiền "lót tay" lên tới hơn 106 tỉ đồng.
Người đầu tiên được Việt hối lộ là ông Trịnh Thanh Hùng vì đã "có công" giúp Việt Á được tham gia đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm.
Ông Hùng được Phan Quốc Việt hối lộ 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỉ đồng).
Tiếp đến, để kit xét nghiệm được cấp phép lưu hành, ông chủ Việt Á tìm cách đi cửa sau chi số tiền lớn hối lộ một số cựu lãnh đạo Bộ Y tế. Trong đó cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận 2,25 triệu USD, thư ký Nguyễn Huỳnh nhận 54 tỉ đồng (đưa cho ông Long 50 tỉ, hưởng lợi 4 tỉ).
Cụ thể, dịp gần Tết Nguyên đán 2021, ông Long chỉ đạo Huỳnh bảo Việt đưa 1 triệu USD để xử lý công việc.
Lần thứ hai, Việt đưa 1 triệu USD cũng do ông Long đề nghị "chi phí xử lý công việc".
Một lần khác, tại phòng khách quốc tế trụ sở Bộ Y tế, Việt gặp ông Long để bàn về việc sản xuất vắc xin phòng dịch COVID-19 và đưa cho cựu bộ trưởng một túi vải màu xanh, bên trong đựng 50.000 USD.
Còn thư ký Huỳnh, trong một buổi ăn cơm với Việt tại nhà riêng đã tâm sự mua ô tô sang phải vay ngân hàng nên đã được Việt chỉ đạo cấp phó của mình đưa 2 tỉ đồng để Huỳnh trả tiền vay.
Hai vụ trưởng thuộc Bộ Y tế cũng nhận hối lộ một người 300.000 USD và một người 100.000 USD.
Ông Long bị cáo buộc trực tiếp can thiệp và chỉ đạo cấp dưới tác động để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá, phân bổ và thanh toán tiền kit xét nghiệm.
Thậm chí, cựu bộ trưởng còn đứng ra giới thiệu Việt Á với lãnh đạo một số địa phương để giúp công ty này tiêu thụ kit xét nghiệm.
Thông thầu đưa kit xét nghiệm đã bị "thổi giá" bán ở 21 địa phương
Sau khi kit xét nghiệm Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, Phan Quốc Việt tiếp tục nhờ cựu bộ trưởng Long, thư ký Huỳnh, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Trịnh "can thiệp, tác động" đến một số lãnh đạo cấp tỉnh của các địa phương để Việt Á được tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả điều tra xác định Việt Á đã thông thầu tại 21 địa phương để được cung cấp kit xét nghiệm với giá đã nâng khống, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 400 tỉ đồng.
Một trong những địa phương có sai phạm nghiêm trọng liên quan Việt Á là Hải Dương. Năm 2021, địa phương này công bố dịch đợt 3, nhưng thời điểm đó chính quyền đang sử dụng loại kit xét nghiệm có giá dưới 200.000/kit.
Để chiếm lĩnh thị trường kit xét nghiệm Hải Dương, Việt đã nhờ ông Long và Huỳnh tác động đến cựu bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng. Được bí thư tỉnh ủy đồng ý, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch ban hành nhiều văn bản có nội dung: "Giao CDC ký hợp đồng với Việt Á".
Quá trình đưa kit xét nghiệm về bán độc quyền tại Hải Dương, Việt còn thỏa thuận chia 20-30% giá trị ngoài hợp đồng cho giám đốc CDC Phạm Duy Tuyến. Ông Tuyến sau đó đồng ý cho Việt Á cung cấp thiết bị trước rồi làm hồ sơ hợp thức, quyết toán sau.
Kết quả, năm 2021, Việt Á trúng 4 gói thầu ở Hải Dương, trong đó có hơn 220.000 kit xét nghiệm, gây thiệt hại 73 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã chi hối lộ cho cựu giám đốc CDC tỉnh này đến 27 tỉ đồng.
Tại tỉnh Bắc Giang, ông chủ Việt Á thỏa thuận với cựu giám đốc CDC tỉnh này về việc cung cấp 2.000 kit xét nghiệm để sử dụng trước. Sau khi dùng, CDC Bắc Giang mới hợp thức hóa chứng thư thẩm định để ký thanh toán gói thầu.
Tiếp đó, Phan Quốc Việt ủy quyền cho Công ty Phan Anh cung cấp kit xét nghiệm cho CDC Bắc Giang cũng theo phương thức cung cấp thiết bị trước, hợp thức hóa hợp đồng sau. Sau mỗi gói thầu, Việt Á sẽ thông qua Công ty Phan Anh để chia phần trăm ngoài hợp đồng cho CDC Bắc Giang với tổng số tiền 45 tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định Việt Á đã cung cấp cho CDC Bắc Giang hơn 300.000 kit xét nghiệm và đã được thanh toán 150 tỉ đồng. Giá thực tế chỉ 143.000 đồng/kit nhưng Việt Á đã bán với giá 570.000 đồng nên thiệt hại mà doanh nghiệp này gây ra ở Bắc Giang là 105 tỉ đồng.
Tương tự, Việt Á "vươn vòi" cung cấp kit xét nghiệm tại 19 tỉnh thành khác với thủ đoạn thông thầu, cung cấp thiết bị trước hợp thức hóa hợp đồng sau. Hành vi này đã gây thiệt hại tài sản nhà nước tại các địa phương như Bình Dương 55 tỉ, Đồng Tháp 79 tỉ, Hà Nội 14 tỉ, Nam Định 14,5 tỉ, Nghệ An 16 tỉ.
https://tuoitre.vn/viet-a-chi-106-ti-hoi-lo-quan-chuc-de-lung-doan-thi-truong-kit-test-nhu-the-nao-20240103152159169.htmhttps://tuoitre.vn/viet-a-chi-106-ti-hoi-lo-quan-chuc-de-lung-doan-thi-truong-kit-test-nhu-the-nao-20240103152159169.htm
- Dự án Mũi Đèn Đỏ được nâng khống gấp nhiều lần giá trị thực (14.03.2024)
- Vì sao bà Trương Mỹ Lan không đồng ý kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân? (14.03.2024)
- Đề nghị dùng 13 tài sản ngoài vụ án để khắc phục hậu quả (13.03.2024)
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Ai là chủ thực sự của SCB? (13.03.2024)
- Tòa sẽ tạo điều kiện để các bị cáo khắc phục hậu quả (13.03.2024)
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa đã thẩm vấn hơn 50 bị cáo (10.03.2024)
- Những điểm chính yếu qua 4 ngày xét xử đại án Vạn Thịnh Phát (09.03.2024)
- Vụ án Vạn Thịnh Phát: 84 bị cáo đã trả lời xét hỏi trước tòa thế nào? (09.03.2024)
- Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát ngày thứ 3 (09.03.2024)
- Bắt chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và cựu chủ tịch Cao Khoa (09.03.2024)