Sợ sai, nhiều doanh nghiệp thẩm định "né" giá đất
Trả lời tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, về tình trạng một số công ty thẩm định giá bị xử lý sai phạm, nhiều doanh nghiệp thẩm định giá lại sợ rủi ro, từ chối thẩm định giá đất gây khó khăn cho nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, sai thì phải xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
Đại biểu Lã Thanh Tân đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng hỏi Bộ Tài chính về quan điểm và hướng giải quyết tình trạng: Hiện nay nhiều doanh nghiệp thẩm định giá từ chối thẩm định giá đấu thầu, mua sắm trang, thiết bị cho hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước và tính giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Trả lời ý kiến của đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá, hơn nữa Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên; những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai.
Còn về việc các doanh nghiệp thẩm định giá không dám thẩm định thì có nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân công việc quá tải nên không nhận việc, thì nguyên nhân sợ rủi ro về mặt pháp lý, nguyên nhân do năng lực kém, cùng nhiều nguyên nhân khác.
"Rủi ro về mặt pháp lý do nhiều nguyên nhân, có thể là năng lực kém, cũng có thể là quy định của pháp luật chúng ta có nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi lấy ví dụ như khi chúng ta xác định giá đất, thì chúng ta xác định theo Nghị định 44 và bây giờ là Nghị định 12, trước đây là 5 phương pháp, sau này đưa ra 4 phương pháp. Tuy nhiên, chủ yếu là thực hiện phương pháp thặng dư, mà phương pháp thặng dư là phương pháp ước tính hay loại phương pháp giả định", ông Hồ Đức Phớc nói.
Theo ông Hồ Đức Phớc, giả định đầu vào, giả định đầu ra, giả định chi phí, giả định doanh thu,... giả định sẽ đưa ra nhiều tham số khác nhau và nhiều tham số sẽ dẫn đến sai phạm. Ví dụ, mảnh đất khi đưa ra thẩm định giá hình thành tài sản trong tương lai, ước tính bán ra 20 triệu đồng/m2, tuy nhiên, khi bán thực tế lại lên 25 triệu đồng/m2, chênh lệch 5 triệu đồng/m2, thì rõ ràng kết quả đánh giá là sai. Khi đó, cơ quan định giá cũng phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng phân tích, phương pháp xác định giá được xác định trên 3 phương pháp cơ bản. Một là xác định chi phí đối với những sản phẩm sản xuất ra; xác định theo giá thị trường đối với những hàng hóa bán trên thị trường; xác định theo tiêu chí, như thẩm định giá của các doanh nghiệp. Tuy nhiên cách hiểu lại không đồng nhất, cho nên việc xác định giá khởi điểm chưa được đồng nhất.
"Giống như chuyện xác định thiệt hại trong các vụ án hình sự. Người thì cho rằng tại hành vi vi phạm, người cho rằng tại hành vi khi khởi tố, người lại nói tại khi xét xử. Việc này là những quan điểm cần phải được tuyên truyền, giải thích để thống nhất một quan điểm. Từ lý do như vậy, một số công ty thẩm định giá không loại trừ cấu kết với các doanh nghiệp để nâng giá lên", ông Hồ Đức Phớc nói.
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, thời gian qua, các công ty thẩm định giá không những có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, mà cả đối với các vụ án. Qua các sai phạm vừa rồi, cho thấy, một số công ty đã tiếp tay cho chuyện dìm giá hoặc nâng giá tài sản.
Nguyên nhân có rất nhiều và một trong những nguyên nhân quan trọng là thời gian qua, gia tăng quá nóng của các doanh nghiệp thẩm định giá. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp không có, nên đã dẫn đến có chuyện tiếp tay, có chuyện làm sai phạm, nhưng sau khi xử lý, lại không dám làm nữa, gây ra khó khăn trong các hoạt động của nền kinh tế.
Đại biểu trao đổi, Bộ Tài chính cần làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc cấp chứng chỉ, chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá, khắc phục hạn chế, không để ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay kiểm định viên phải có chứng chỉ về giá, phải được đào tạo và phải qua thi cử. Trong 3 năm vừa qua, chưa có trường hợp nào trong một kỳ thi vượt quá 33% số người dự thi trúng tuyển. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, vẫn đang quản lý rất chặt chẽ các vấn đề cấp phép và hoạt động. Những sai phạm vừa qua thuộc về hành vi của thẩm định viên về giá, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, một số văn bản pháp luật vẫn có những lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng.
Theo Bộ trưởng, vừa qua chưa có trường hợp các công ty thẩm định giá bị các cổ đông chi phối để thực hiện hành vi sai trái. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng thẩm định giá, việc thực hiện kiểm tra chéo, siết chặt quản lý, nâng cao tiêu chuẩn là cần thiết
https://laodongthudo.vn/so-sai-nhieu-doan
tham-dinh-ne-gia-dat-167757.html
- Vì sao bà Trương Mỹ Lan không đồng ý kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân? (14.03.2024)
- Đề nghị dùng 13 tài sản ngoài vụ án để khắc phục hậu quả (13.03.2024)
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Ai là chủ thực sự của SCB? (13.03.2024)
- Tòa sẽ tạo điều kiện để các bị cáo khắc phục hậu quả (13.03.2024)
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa đã thẩm vấn hơn 50 bị cáo (10.03.2024)
- Những điểm chính yếu qua 4 ngày xét xử đại án Vạn Thịnh Phát (09.03.2024)
- Vụ án Vạn Thịnh Phát: 84 bị cáo đã trả lời xét hỏi trước tòa thế nào? (09.03.2024)
- Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát ngày thứ 3 (09.03.2024)
- Bắt chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và cựu chủ tịch Cao Khoa (09.03.2024)
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm tại Bộ LĐ-TB&XH (09.03.2024)