Sáng 14/3, trước khi bắt đầu phiên tòa, HĐXX cho biết đã nhận đơn của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung. Họ trình bày Dung bị xét hỏi nhiều, cách đặt câu hỏi của một số luật sư làm bị cáo suy nghĩ, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
HĐXX cho rằng điều này tòa đã giải thích, trong trường hợp thấy câu hỏi nào bất lợi cho mình luật không buộc bị cáo phải trả lời, không buộc phải nhận tội.
HĐXX cũng thông báo trong sáng nay sẽ tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư bào chữa. Đến chiều nay, HĐXX sẽ chuyển sang xét hỏi làm rõ yêu cầu của người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Ai là người chỉ đạo sửa kết luận thanh tra SCB?
Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Nguyên Phó chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN). Bị cáo Hưng từ chối trả lời nhiều câu hỏi, cho rằng mình đã trình bày trong những ngày xét xử trước đó.
Bị cáo phủ nhận cáo buộc chỉ đạo chỉnh sửa số liệu kết luận thanh tra để dẫn tới việc không phát hiện sai phạm tại SCB, không đưa ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt.
"Bị cáo chỉ ký quyết định thanh tra. Bị cáo không chủ động, không chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra sửa số liệu", ông Hưng nói và cho biết từ quyết định mà ông ký, đoàn thanh tra có trách nhiệm thực hiện theo quy định pháp luật.
Bị cáo từ chối đánh giá báo cáo của đoàn thanh tra có trung thực không, đề nghị luật sư xem lại trong cáo trạng và kết luận điều tra.
Luật sư bào chữa cho bà Nhàn dẫn lại lời khai bị cáo Hưng khai không nhớ rõ số tiền đã nhận từ SCB, đặt câu hỏi: "Có phải nhận nhiều quá anh không biết bao nhiêu không?". Ông Hưng từ chối trả lời.
Lúc này chủ tọa lưu ý các luật sư trong quá trình bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo sẽ không đặt câu hỏi để làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Chuyển sang xét hỏi bị cáo Đỗ Thị Nhàn, luật sư nhắc lại lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Theo đó, bà Lan nói chỉ gặp bà Nhàn 2 lần để trao đổi về việc bán tài sản trả nợ cho SCB, ngoài mục đích đó ra không có nội dung nào khác. Bị cáo Nhàn xác nhận đúng.
"Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng khi mang tiền đến đưa cho bà, Văn không biết số tiền bao nhiêu, có đúng không?", luật sư hỏi. Bị cáo Nhàn trả lời không xác nhận được.
Về trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Hưng, bị cáo Nhàn vẫn khẳng định lại chính ông Hưng là người chỉ đạo bị cáo chỉnh sửa kết luận thanh tra để báo cáo NHNN. "Bị cáo có nhận chỉ đạo của anh Hưng mới sửa. Dù anh Hưng chỉ đạo, tôi chỉ đạo lại, tôi xin nhận trách nhiệm bên dưới vì chỉ nhận làm theo chỉ đạo của tôi", bị cáo Nhàn nói.
Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra cho rằng dù ông Hưng không thừa nhận đã chỉ đạo nhưng cáo trạng đã chỉ ra điều này. Bà Nhàn nói nếu ông Hưng tiếp tục chối thì bà sẽ đưa ra "chứng cứ chứng minh anh Hưng chỉ đạo".
"Chứng cứ quan trọng nhất là báo cáo chúng tôi hoàn thành ngày 11/1/2018, trình tờ trình 18,19, đảm bảo minh bạch trong thanh tra. Tại tờ trình, chúng tôi đề nghị anh Hưng thành lập bộ phận độc lập với đoàn thanh tra xây dựng dự thảo, nhưng anh Hưng vẫn để nguyên. Anh Hưng chỉ đạo sửa số liệu liên quan chỉ số an toàn SCB đã được tôi chỉ đạo cấp dưới dẫn tới sai lệch kết quả thanh tra", bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói trước tòa.
"Bà Trương Mỹ Lan quyết định mọi vấn đề tại SCB"
Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Nhàn xin HĐXX được trình bày theo hiểu biết của mình. Bà nói với cổ phần chiếm 65% (bao gồm của bản thân, con cái, bạn bè) bà Trương Mỹ Lan chính là người quyết định mọi vấn đề tại SCB. "Tất cả mọi việc của SCB trình qua hội đồng cổ đông, nếu bà Lan không đồng ý có nghĩa là không được thông qua", bà Nhàn giải thích.
Bị cáo cũng cho rằng liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra số 395 đã thể hiện nội dung còn tồn tại tại SCB, nếu SCB nghiêm túc thực hiện thì sẽ không rơi vào tình trạng hôm nay.
"SCB không thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra là một trong những nguyên nhân khiến xảy ra hậu quả của SCB. Hậu quả này không bắt nguồn từ kết luận của đoàn thanh tra", bà Nhàn lý giải.
Nói về 5,2 triệu USD, bị cáo Nhàn nói mỗi lần nhắc lại bà cảm thấy xấu hổ vì một phút nông nỗi dẫn đến hậu quả không thể chấp nhận. Từ khi bị bắt, bị cáo cho biết chưa được gặp gia đình không biết gia đình đã nộp khắc phục gì cho cơ quan điều tra.
Khi luật sư đọc lại cho bị cáo nắm, bà Nhàn mong HĐXX xem xét cho bị cáo khắc phục 5,2 triệu USD bằng tiền và tài khoản sổ tiết kiệm, xin lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà người chú mà trước đó bà đã gửi số tiền nhận hối lộ.
Luật sư Cồ Lê Huy, bào chữa cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (Phó trưởng Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát) hỏi thân chủ làm rõ hành vi của Tâm. Trong vụ án này, bà Tâm bị cáo buộc lập công ty "ma", lên phương án "giải quỹ" số tiền được SCB giải ngân, giúp sức bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 171.360 tỷ đồng.
Theo bị cáo, chưa bao giờ Tâm họp chung với bà Trương Mỹ Lan. Nhiệm vụ của bị cáo là cập nhật tài sản song song với thư ký của các lãnh đạo tại SCB. "Sếp giữ sổ. Phòng bị cáo cũng có danh sách, trên xuất tài sản cho ai thì báo phòng bị cáo cập nhật, ngày nào nhận lại sổ cũng báo để bị cáo cập nhật", bị cáo Tâm nói.